Nếu vẫn duy trì mức độ tăng trưởng trung bình 25 - 30% như hiện nay, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam tới 2025 chỉ đứng sau Indonesia và Thái Lan.
Đây là nhận định tích cực do giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Alibaba đưa ra trên tờ Thời báo Kinh doanh.
Tuy nhiên, vấn đề tại Việt Nam vẫn là niềm tin vào mua sắm trực tuyến vì cứ 10 người thì có tới 5 người không hài lòng. Đó cũng là lý do mà cứ 5 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới chỉ có 1 doanh nghiệp có sự hiện diện trực tuyến. Mà không chỉ doanh nghiệp nhỏ, các ông lớn cũng loay hoay, khi tốc độ tăng trưởng trong 1 năm qua cho thấy sự chững lại.
Thực tế tại nhiều thị trường thương mại điện tử phát triển, vấn đề xây dựng niềm tin vẫn là khâu cốt tử.
Đến năm 2025, thương mại điện tử sẽ có mức tăng trưởng cao đến gấp đôi so với những lĩnh vực khác như du lịch trực tuyến hay truyền thông số.
Theo Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 mà nhóm đối tác Google vừa công bố, sự phát triển của ngành thương mại điện tử đã đạt đến một "độ chín" để chuyển dịch sự tập trung, từ việc "chăm chăm" tìm kiếm khách hàng mới chuyển sang tích cực "chăm sóc" các khách hàng hiện có.
Báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á 2019 cho biết, đến năm 2025, thương mại điện tử có tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt gần 50%, mức cao nhất trong số 4 lĩnh vực chính cấu thành nền kinh tế số Việt Nam. Trong khi đó, giá trị thị trường đã đạt 5 tỷ USD.
Hệ sinh thái dần hoàn thiện đã dịch chuyển sự tập trung của doanh nghiệp từ việc tìm kiếm thêm khách hàng mới sang tăng cường tương tác với những khách hàng hiện tại vì đối tượng người dùng này mới có thể mang về doanh thu bền vững. Quan trọng hơn, sự tập trung cải thiện trải nghiệm còn có thể giúp cải thiện lòng tin của người dùng vào giao dịch thương mại điện tử, khuyến khích thanh toán không tiền mặt ngay khi đặt hàng, kéo giảm con số 97% thanh toán thương mại điện tử vẫn bằng tiền mặt như hiện nay.
(Nguồn: vtv.vn)