Để đảm bảo hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và an toàn cho người tiêu dùng, các quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu cũng được đặt ra. Vì vậy, doanh nghiệp nhập khẩu cần lưu ý thực hiện đúng và đủ các quy định về nhãn mác hàng hóa. Trong bài viết này, hãy cùng Simba tìm hiểu các quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu, giúp các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuận lợi và tránh được những sai sót không đáng có.
Nhãn mác hàng hóa nhập khẩu là gì?
Một số khái niệm về nhãn mác hàng hóa
Điều 3 nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính Phủ quy định một số khái niệm liên quan đến nhãn mác hàng hóa như sau:
- Ghi nhãn hàng hóa: Là ghi những nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng. Ghi nhãn hàng hóa giúp các nhà sản xuất, kinh doanh, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng dễ dàng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
- Nhãn gốc của hàng hóa: Là nhãn đầu tiên tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.
- Nhãn phụ: Là nhãn thể hiện những nội dung bắt buộc được dịch từ nhãn gốc của hàng hóa ra tiếng Việt và bổ sung những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt mà nhãn gốc của hàng hóa còn thiếu.
Tại sao phải dán nhãn mác hàng hóa nhập khẩu?
Việc làm nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật sẽ giúp các cơ quan chức năng kiểm tra và xác định loại hàng nhập khẩu. Điều này đảm bảo hàng hóa được nhập khẩu đúng cách, tuân thủ các quy định về chất lượng, an toàn và bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, những thông tin sản phẩm trên nhãn mác như nguồn gốc, thành phần sản phẩm, cách bảo quản, giúp người tiêu dùng có thể nhận biết và lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Ngoài ra, việc dán nhãn mác hàng hóa nhập khẩu còn giúp các cơ quan chức năng có thể kiểm soát và quản lý được nguồn hàng nhập khẩu một cách chặt chẽ hơn. Điều này đảm bảo hàng hóa nhập khẩu đáp ứng được các tiêu chuẩn và quy định, tránh được việc nhập khẩu những sản phẩm giả mạo, kém chất lượng.
Căn cứ pháp lý quy định về nhãn mác hàng hóa
Những văn bản pháp lý quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu bao gồm:
- Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính Phủ: Quy định về nhãn mác hàng hóa xuất nhập khẩu.
- Nghị định số 111/2021/NĐ-CP của Chính Phủ: sửa đổi, bổ sung một số điều trong Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa.
- Điều 22 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP của Chính Phủ: Xử phạt hành chính đối với vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu.
Những quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu
Thông tin bắt buộc trên nhãn gốc hàng hóa
Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải có đầy đủ những nội dung sau:
- Tên hàng hóa
- Xuất xứ hàng hóa
- Tên của cá nhân, tổ chức sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
- Trường hợp nhãn gốc hàng hóa chưa thể hiện tên đầy đủ và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài thì các nội dung này phải thể hiện đầy đủ trong tài liệu kèm theo hàng hóa;
- Đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, sau khi thực hiện thủ tục thông quan và chuyển về kho lưu giữ,doanh nghiệp nhập khẩu phải thực hiện việc bổ sung nhãn hàng hóa ghi bằng tiếng Việt trước khi lưu thông hàng hóa tại thị thường Việt Nam.
Thông tin ghi trên nhãn phụ
Nhãn phụ được sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn gốc chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt.
Nội dung ghi trên nhãn phụ là từ các nội dung ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ không được làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải thể hiện đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa.
Trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa phải đảm bảo nội dung trên nhãn phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, ghi nhãn trung thực, rõ ràng và chính xác.
Trong trường hợp tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa yêu cầu tổ chức, cá nhân khác thực hiện việc ghi nhãn thì tổ chức, cá nhân đó vẫn phải chịu trách nhiệm về nhãn hàng hóa của mình.
Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc không phù hợp với quy định của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP thì tổ chức, cá nhân nhập khẩu phải ghi nhãn phụ theo quy định tại khoản 3 Điều 7 và các khoản 3, 4 Điều 8 của Nghị định này khi đưa ra lưu thông và phải giữ nguyên nhãn gốc.
Một số quy định về nội dung trên nhãn hàng hóa
- Định lượng hàng hóa: Hàng hóa được định lượng bằng đơn vị đo lường thì phải ghi theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường. Trường hợp trong một bao bì có nhiều đơn vị hàng hóa thì phải ghi định lượng của một đơn vị hàng hóa và tổng định lượng của các đơn vị hàng hóa.
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng: Phải được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm dương lịch, trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi tháng và năm dương lịch. Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi 4 chữ số thể hiện năm dương lịch.
- Thành phần, thành phần định lượng: Thành phần là tên nguyên liệu, chất phụ gia dùng để sản xuất hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm kể cả khi hình thức nguyên liệu đã thay đổi. Thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần, được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: Khối lượng với khối lượng, khối lượng với thể tích, thể tích với thể tích, phần trăm khối lượng, phần trăm thể tích.
- Nội dung khác: Những nội dung thể hiện thêm như mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy,... không được trái với pháp luật và phải bảo đảm trung thực, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc trên nhãn.
- Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Xử phạt vi phạm về nhãn mác hàng hóa
Theo điều 22 nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính đối với vi phạm về nhãn mác hàng hóa:
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng với trường hợp nhập khẩu hàng hóa có nhãn gốc nhưng không đọc được nội dung ghi trên nhãn mà cá nhân, tổ chức nhập khẩu hàng hóa không khắc phục được.
- Đối với hành vi nhập khẩu hàng hóa có nhãn hàng hóa ghi sai nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật thì sẽ có mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5.000.000 đồng đến hơn 100.000.000 triệu đồng.
- Trường hợp nhập khẩu hàng hóa không có nhãn gốc thì sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng tới 60.000.000 đồng đối với hàng hóa có giá trị từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng trở lên.
Áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đối với các vi phạm về nhãn mác hàng hóa:
- Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với tang vật vi phạm hành chính trong thời hạn thi hành quyết định xử phạt.
- Buộc nộp lại số tiền bằng trị giá tang vật đã bị tiêu thụ, tẩu tán, tiêu hủy trái quy định của pháp luật đối với hành vi vi phạm.
Trên đây là toàn bộ thông tin về nhãn mác hàng hóa và những quy định về nhãn mác hàng hóa nhập khẩu theo pháp luật hiện hành. Hy vọng qua bài viết này, Simba đã đem tới cho các nhà kinh doanh và doanh nghiệp nhiều thông tin hữu ích, giúp quá trình nhập khẩu hàng hóa thuận lợi hơn và tránh vi phạm những quy định của pháp luật.