Thủ tục xuất khẩu yến sào theo quy định hiện nay gồm có những giấy tờ, giấy phép gì? Yến sào chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đã mở ra một cơ hội rất lớn cho các cơ sở sản xuất yến. Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết hơn về thủ tục hải quan xuất khẩu yến sào!
Tổ yến chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ngày 16/11/2022, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính thức ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc. Theo con số thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có trên 22.000 nhà nuôi chim yến. Sản lượng yến của Việt Nam dao động trung bình khoảng 120 tấn với giá trị ước lượng trên 500 triệu USD. Ngành yến Việt Nam đang có rất nhiều cơ hội phát triển và tiềm năng mang lại giá trị kinh tế cao.
Việc tổ yến Việt Nam được chính thức xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã tạo ra rất nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, mang lại giá trị kinh tế cao. Bởi Trung Quốc là thị trường tiêu thụ yến lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu.
Thủ tục xuất khẩu yến sào
Chính sách pháp lý
Căn cứ theo danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu được ban hành kèm theo Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính phủ, yến sào không nằm trong danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp, đơn vị có thể xuất khẩu yến sào và làm thủ tục xuất khẩu như những mặt hàng thông thường.
Theo quy định tại điểm 14, phần II, mục 2 Danh mục đối tượng kiểm dịch động vật, những sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch ban hành kèm theo Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổ yến là sản phẩm động vật thuộc đối tượng phải kiểm dịch động vật. Do đó, khi làm thủ tục xuất khẩu yến sào, đơn vị cần làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật.
Mã HS Code và thuế xuất khẩu yến sào
Căn cứ vào biểu thuế xuất nhập khẩu 2022, yến sào xuất nhập khẩu có mã HS Code là 04100010. Trong đó:
- 0410 - Sản phẩm ăn được có nguồn gốc động vật, chưa được chi tiết hoặc ghi ở nơi khác.
- 04100010 - Tổ yến
Theo quy định hiện hành, thuế VAT đối với mặt hàng tổ yến xuất khẩu là 0%. Bên cạnh đó, vì tổ yến không nằm trong danh sách các mặt hàng chịu thuế xuất khẩu. Chính vì vậy, mức thuế xuất khẩu tổ yến hiện nay đang là 0%.
Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu yến sào
Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu yến sào gồm có những giấy tờ, thủ tục sau:
- Tờ khai hải quan
- Hợp đồng thương mại
- Hóa đơn thương mại
- Vận đơn
- Phiếu đóng gói hàng hóa
- Các loại chứng từ, giấy tờ khác theo quy định.
Yến sào xuất khẩu cần những loại giấy phép gì?
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm
Sở Công thương là đơn vị có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm gồm có:
- Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo mẫu đã được Bộ Y tế quy định;
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản thuyết minh cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ bảo đảm điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định;
- Giấy xác nhận đủ sức khỏe do cơ sở y tế cấp huyện trở lên cấp cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
- Giấy xác nhận chủ cơ sở, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.
Tự công bố chất lượng sản phẩm tổ yến xuất khẩu
Hồ sơ tự công bố chất lượng sản phẩm tổ yến xuất khẩu gồm có những giấy tờ, chứng từ sau:
- Thông tin chi tiết sản phẩm;
- Kết quả kiểm nghiệm chất lượng yến sào trong vòng 12 tháng;
- Nhãn hàng hóa;
- Giấy đăng ký kinh doanh;
- Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất yến đủ điều kiện an toàn thực phẩm (nếu có).
Doanh nghiệp có thể tự công bố chất lượng sản phẩm trên phương tiện đại chúng hoặc qua trang thông tin điện tử của mình. Ngoài ra có thể niêm yết công khai tại trụ sở của doanh nghiệp. Sau đó công bố trên hệ thống thông tin dữ liệu về an toàn thực phẩm.
Nếu như chưa có hệ thống thông tin dữ liệu cập nhật về an toàn thực phẩm, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do
Hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với hàng hóa xuất khẩu được quy định tại khoản 3 Điều 11 Nghị định số 69/2018/NĐ-CP. Cụ thể, bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do gồm có:
- Văn bản đề nghị cấp CFS (được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 12/2018/TT-BCT).
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư.
- Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu.
- Danh mục các cơ sở sản xuất (nếu có).
Thương nhân gửi 1 bộ hồ sơ đầy đủ các giấy tờ như trên trực tiếp, qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) tới cơ quan cấp CFS.
Giấy chứng nhận y tế
Bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế được quy định tại Thông tư số 52/2015/TT-BYT ngày 21/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Cụ thể, bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế cho yến sào xuất khẩu gồm có những giấy tờ sau:
- Đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế được quy định tại Phụ lục 08 ban hành kèm theo Thông tư số 52/2015/TT-BYT.
- Kết quả kiểm nghiệm của từng mặt hàng thuộc lô hàng yến sào xuất khẩu.
- Mẫu nhãn sản phẩm (Bản sao có dấu xác nhận của tổ chức, cá nhân).
- Giấy phép kinh doanh.
Bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận y tế được nộp tại Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế. Thời gian xử lý thủ tục cấp giấy chứng nhận y tế là 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ. Trong trường hợp không cấp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do không cấp.
Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật
Bộ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận kiểm dịch động vật cho lô hàng yến sào xuất khẩu gồm có những giấy tờ sau:
- Giấy đăng ký kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo mẫu quy định được ban hành kèm theo Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT;
- Giấy phép kinh doanh;
- Giấy chứng nhận cơ sở sản xuất yến sào đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Hoặc xác nhận công bố Chất lượng sản phẩm, GMP, HACCP, ISO 22000, IFS, BRC, FSSC 22000 hoặc những xác nhận tương đương còn hiệu lực;
- Nhãn sản phẩm;
- Kết quả kiểm nghiệm trong vòng 6 tháng;
- Hợp đồng gia công (Trong trường hợp thuê một đơn vị khác làm gia công).
Trên đây là toàn bộ thông tin về thủ tục xuất khẩu yến sào mà Simba muốn gửi tới các cơ sở sản xuất yến sào. Hy vọng qua những thông tin về thủ tục hải quan xuất khẩu yến sào được chia sẻ ở bài viết mang tới cho cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhiều thông tin bổ ích!