Thủ tục xuất khẩu vải thiều gồm có những giấy tờ, thủ tục gì? Để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, vải thiều cần phải đảm bảo đạt những tiêu chuẩn chất lượng nào? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về thủ tục xuất khẩu trái vải thiều!
Tiêu chuẩn vải thiều xuất khẩu
Tùy vào tiêu chuẩn của mỗi nước nhập khẩu mà điều kiện về vải thiều xuất khẩu sẽ có sự khác nhau. Tuy nhiên về cơ bản, để có thể xuất khẩu mang lại giá trị kinh tế cao, vải thiều sau khi thu hoạch phải đảm bảo đạt những tiêu chuẩn như:
- Hình dáng: Quả vải phải tươi, đầy đặn, phát triển bình thường, không bị dập nát hoặc bầm. Chiều dài cuống quả phải đạt mức cho phép như đã thỏa thuận trong hợp đồng thương mại giữa bên xuất khẩu và nhập khẩu.
- Cân nặng: Khi cắt ở bề mặt ngang lớn nhất đường kính phải đạt như tiêu chuẩn đã cam kết trong hợp đồng mua bán và kích thước không được nhỏ hơn 25 mm. Không được nhiều hơn 65 quả trong tổng lượng cân 1kg, cuống vải không được dài quá 5 mm. Phần cuống vải phải được ngắt ở khất tự nhiên của cuống.
- Độ chín: Vỏ quả phải có màu sắc tươi, màu vỏ ửng hồng hoặc đỏ đồng. Thịt quả phải đạt được chất lượng, mang hương vị thơm ngon đặc trưng của vải thiều. Khi ăn vải thiều có vị ngọt đậm đà, thịt quả tươi, mọng nước. Tổng hàm lượng chất khô hòa tan của dịch quả không được dưới 17%.
Ngoài ra, trước khi xuất khẩu, vải thiều phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và thực hiện khử trùng. Đóng gói đúng cách cũng là một trong những tiêu chuẩn quan trọng mà doanh nghiệp cần đáp ứng được khi xuất khẩu vải thiều.
- Vải thiều phải được đóng vào túi chất dẻo, có dung lượng từ 1-2kg quả.
- Các túi chất dẻo chứa quả vải phải được đặt vào thùng carton có đục lỗ, có vách ngăn. Quy cách về hộp carton được thỏa thuận trong hợp đồng mua bán giữa 2 bên xuất khẩu và nhập khẩu.
- Các thùng đóng gói phải có nhãn mác có ghi đầy đủ thông tin theo yêu cầu.
Chi tiết thủ tục xuất khẩu vải thiều theo quy định mới hiện nay
Chính sách pháp lý xuất khẩu vải thiều
- Vải thiều không nằm trong danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu. Do đó, doanh nghiệp có thể xuất khẩu vải sang thị trường nước ngoài bình thường. Thủ tục xuất khẩu vải thiều tương tự như các mặt hàng nông sản khác.
- Căn cứ vào Điều 1 Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT ngày 05/09/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vải thiều thuộc Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật. Do đó, khi làm thủ tục xuất khẩu, đơn vị, doanh nghiệp cần đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng vải thiều xuất khẩu.
Mã HS Code và thuế xuất khẩu vải thiều
Căn cứ vào biểu thuế xuất nhập khẩu 2022, vải thiều có mã HS Code là 20089910.
- Thuế xuất khẩu vải thiều: Căn cứ theo Thông tư số 164/2013/TT-BTC, mức thuế xuất khẩu vải thiều là 0%.
- Thuế VAT: Căn cứ theo Thông tư số 219/2013/TT-BTC và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013, vải thiều xuất khẩu không phải chịu thuế VAT.
Như vậy, theo quy định hiện hành của Việt Nam, vải là mặt hàng nông sản không thuộc đối tượng phải chịu thuế VAT. Và được hưởng với mức thuế xuất khẩu là 0%. Khi xuất khẩu vải thiều, đơn vị chỉ cần nộp lệ phí hải quan theo quy định và thực hiện theo các yêu cầu kỹ thuật của bên xuất khẩu. Lệ phí hải quan đơn vị cần phải nộp được quy định tại Thông tư số 172/2010/TT-BTC ngày 02/11/2010.
Thủ tục hải quan xuất khẩu vải thiều
Hồ sơ hải quan gồm có:
- Tờ khai hải quan xuất khẩu (Tờ khai điện tử)
- Hợp đồng thương mại giữa bên xuất khẩu và bên nhập khẩu
- Hóa đơn thương mại (Hóa đơn GTGT)
- Một số giấy tờ khác có liên quan đến xuất khẩu lô hàng vải thiều: Bảng kê chi tiết lô hàng, giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật,...
Bộ chứng từ đầy đủ để xuất khẩu lô hàng vải thiều sang nước ngoài gồm có:
- Hợp đồng thương mại
- Hóa đơn thương mại
- Bảng kê khai chi tiết lô hàng vải thiều xuất khẩu
- Bộ vận đơn
- Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do chi cục kiểm dịch thực vật tại địa phương cấp.
- Tờ khai hàng hóa xuất khẩu do Hải quan quy định.
Thủ tục kiểm dịch thực vật vải xuất khẩu
Trước khi được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, Chi cục kiểm dịch sẽ tiến hành kiểm tra về hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong vải. Dư lượng thuốc tồn trong quả vải không được vượt quá hạn mức để tránh ảnh hưởng đến chất lượng quả và sức khỏe người tiêu dùng. Hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật cho lô hàng vải thiều xuất khẩu bao gồm:
- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật (quy định theo mẫu của Chi cục kiểm dịch);
- Các chứng từ như: Hợp đồng thương mại, vận đơn, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói hàng hóa (Nếu có);
- Giấy giới thiệu hoặc giấy ủy quyền của chủ hàng (Bên đăng ký là người được chủ hàng ủy quyền).
Trên đây là toàn bộ thông tin về thủ tục xuất khẩu vải thiều mà Simba muốn gửi tới các đơn vị, doanh nghiệp. Để biết thêm chi tiết về dịch vụ ủy thác xuất khẩu tại Simba hoặc nếu doanh nghiệp đang muốn được tư vấn về thủ tục xuất khẩu, hãy liên hệ tới chúng tôi qua Hotline 0379 311 688!