Thủ tục xuất khẩu tinh bột sắn theo quy định hiện nay gồm có những giấy tờ, chứng từ nào? Cần có những giấy phép gì khi xuất khẩu tinh bột sắn? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về thủ tục hải quan xuất khẩu tinh bột sắn!
Tình hình xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay
Thời gian gần đây, xuất khẩu tinh bột sắn đang có xu hướng tăng mạnh, trong khi xuất khẩu sắn lát lại có xu hướng giảm. Trước tình trạng nguồn cung ngũ cốc toàn cầu bị gián đoạn, nhu cầu thu mua sắn và các sản phẩm từ sắn để phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong thời gian tới, xuất khẩu tinh bột sắn được dự báo là vẫn sẽ tiếp tục tăng.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng tinh bột sắn mà Việt Nam xuất khẩu được là 800,84 nghìn tấn tinh bột sắn với trị giá 403,64 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu tinh bột sắn tăng 15,7% về lượng và tăng 27,2% về trị giá. Sắn và các sản phẩm từ sắn chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Đài Loan và Hàn Quốc. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ tinh bột sắn lớn nhất chiếm tới 94,7% tổng lượng tinh bột sắn xuất khẩu của cả nước.
Thủ tục xuất khẩu tinh bột sắn chi tiết theo quy định hiện nay
Chính sách pháp lý
Tinh bột sắn không nằm trong danh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu. Do đó, đơn vị có thể xuất khẩu tinh bột sắn bình thường. Về cơ bản, thủ tục hải quan xuất khẩu tinh bột sắn cũng sẽ tương tự như các loại hàng hóa thông thường.
Mã HS Code tinh bột sắn
Tinh bột sắn có mã HS Code là 11081400. Trong đó:
- Chương 11 - Các sản phẩm xay xát, tinh bột, inulin, malt, gluten lúa mì
- 1108 - Tinh bột; inulin
- 11081400 - Tinh bột sắn
Biểu thuế xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay
Thuế xuất nhập khẩu tinh bột sắn được quy định tại Nghị quyết số 710/2008/NQ-UBTVQH12. Cụ thể, tinh bột sắn và sản phẩm từ tinh bột sắn có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0-10%.
Theo quy định của Thông tư số 164/2014/TT-BTC, mặt hàng tinh bột sắn thuộc nhóm 1108 có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. Nhóm các mặt hàng sản phẩm từ tinh bột sắn thuộc nhóm 1903 có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.
Hồ sơ hải quan xuất khẩu tinh bột sắn
Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu tinh bột sắn gồm có những giấy tờ, thủ tục sau:
- Tờ khai hải quan
- Hợp đồng thương mại
- Hóa đơn thương mại
- Vận đơn
- Các chứng từ, giấy phép khác (Nếu có).
Những giấy phép cần có khi xuất khẩu tinh bột sắn
Giấy chứng nhận lưu hành tự do
Bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do bao gồm các loại giấy tờ, chứng từ sau:
- Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do nêu rõ tên hàng hóa, mã HS hàng hóa, số chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc số đăng ký, thành phần hàm lượng hợp chất (nếu có), số hiệu tiêu chuẩn (nếu có), nước nhập khẩu hàng hóa;
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
- Bản tiêu chuẩn công bố áp dụng đối với sản phẩm, hàng hóa kèm theo đó là cách thể hiện.
Đơn vị gửi trực tiếp hoặc gửi bộ hồ sơ đăng ký giấy chứng nhận lưu hành tự do qua đường bưu điện tới Bộ Y tế (Cục An toàn thực phẩm).
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Theo quy định, tinh bột sắn nằm trong danh mục các loại hàng hóa cần phải xin giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu. Do đó, khi làm thủ tục xuất khẩu tinh bột sắn, đơn vị cần phải tiến hành đăng ký kiểm dịch thực vật.
Bộ hồ sơ đăng ký kiểm dịch thực vật được quy định tại Thông tư số 65/2012/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm:
- Giấy đăng ký kiểm dịch thực vật theo mẫu của cơ quan kiểm dịch và đơn vị cần khai báo đầy đủ thông tin về lô hàng tinh bột sắn cần kiểm dịch;
- Hợp đồng mua bán hàng hóa;
- Vận đơn, hóa đơn thương mại, phiếu đóng gói hàng hóa, giấy ủy quyền của chủ hàng (Nếu có).
Trên đây là toàn bộ thông tin về thủ tục xuất khẩu tinh bột sắn. Hy vọng qua những thông tin được chia sẻ ở bài viết mang tới cho đơn vị, doanh nghiệp xuất khẩu tinh bột sắn nhiều thông tin bổ ích!