Thủ tục xuất khẩu dừa tươi theo quy định hiện nay gồm những gì? Khi xuất khẩu dừa tươi, doanh nghiệp cần chuẩn bị những giấy phép nào? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về thủ tục xuất khẩu dừa tươi!
Những tiêu chuẩn khi xuất khẩu dừa tươi
Dừa tươi Việt Nam hiện đang được người tiêu dùng tại thị trường nước ngoài ưa chuộng. Hiện nay, dừa tươi “Made in Vietnam” đang được xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, EU, Thái Lan,...Bên cạnh cơ hội mở rộng cho trái dừa tươi Việt Nam vươn tầm thế giới, để một lô hàng dừa tươi được phép xuất khẩu, chất lượng dừa phải đáp ứng được các tiêu chuẩn sau:
Tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực phẩm
Dừa tươi xuất khẩu phải đảm bảo mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không được vượt quá quy định của thị trường nhập khẩu. Bên cạnh đó, các chất gây ô nhiễm như thuốc trừ sâu và kim loại nặng cần phải được kiểm soát.
Tiêu chuẩn về chất lượng dừa tươi
Không có bất kỳ một tiêu chuẩn chính thức nào về chất lượng của trái dừa tươi xuất khẩu. Bởi tùy vào từng thị trường xuất khẩu mà tiêu chuẩn về chất lượng đặt ra sẽ khác nhau. Tuy nhiên, về cơ bản, dừa tươi vẫn cần phải đảm bảo được một số tiêu chuẩn cơ bản như sau:
- Dừa tươi nguyên vẹn và không bị trầy xước;
- Sạch sẽ, không có bất kỳ vấn đề nào ở phía bên ngoài có thể nhìn thấy;
- Không có sâu bệnh gây hại, không có mùi và vị lạ ở bên ngoài;
- Độ ẩm bên ngoài không được thất thường.
Tiêu chuẩn về kích thước và quy cách đóng gói bao bì
Thông thường, dừa tươi xuất khẩu sẽ được đóng gói trong bao tải hoặc túi đay. Sau đó dừa sẽ được xếp vào thùng carton để vận chuyển. Mỗi thùng sẽ có khối lượng khoảng 25kg tương đương với hơn 20 trái dừa. Nếu là dừa non, có thể gọt vỏ thành hình kim cương trước khi đóng gói. Kích thước thùng carton đựng dừa được xác định dựa theo trọng lượng của quả (có thể tham khảo theo tiêu chuẩn của ASEAN).
Quy định xử lý dừa sau thu hoạch
Sau khi thu hoạch, dừa tươi cần được xử lý đúng cách. Quy định xử lý dừa tươi xuất khẩu sau thu hoạch như sau:
- Tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột từ 8ºC (8 độ C) trở lên;
- Nhiệt độ lưu trữ và bảo quản dừa tươi tốt nhất là từ 0 - 16ºC. Đối với dừa trưởng thành thường được vận chuyển ở 8ºC - 12ºC. Còn đối với dừa non có thể bảo quản ở nhiệt độ 3ºC - 6ºC. Nếu nhiệt độ cao sẽ làm giảm đáng kể thời hạn sử dụng.
- Duy trì độ ẩm khoảng 80% cho dừa trưởng thành và 90% cho dừa non để ngăn ngừa dừa giảm cân và bay hơi.
Thủ tục xuất khẩu dừa tươi chi tiết
Chính sách pháp lý
Căn cứ theo phụ lục II Nghị định số 69/2018/NĐ – CP ngày 15/5/2018 của chính phủ, dừa nói chung không thuộc trong danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu. Chính vì vậy, doanh nghiệp có thể làm thủ tục xuất khẩu dừa thông thường.
Mã HS Code và thuế xuất khẩu dừa tươi
Dừa có mã HS Code thuộc nhóm 0801. Tùy thuộc vào từng loại dừa mà sẽ có mã HS Code khác nhau. Cụ thể dưới đây là mã HS Code của các loại dừa xuất khẩu:
- 0801: Dừa, quả hạch Brazil (Brazil nuts) và hạt điều, tươi hoặc khô, đã hoặc chưa được bóc vỏ hoặc lột vỏ.
- 08011100: Dừa đã qua công đoạn làm khô
- 08011200: Dừa còn nguyên sọ
- 080119: Dừa loại khác:
- 08011910: Dừa non (SEN)
- 08011990: Loại khác
Theo quy định hiện nay, dừa tươi và các sản phẩm từ dừa có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.
Hồ sơ hải quan xuất khẩu dừa tươi
Hồ sơ hải quan xuất khẩu dừa tươi căn cứ theo khoản 5 điều 1 thông tư số 39/2018/TT-BTC (sửa đổi điều 16 thông tư 38/2015/TT-BTC) gồm có:
- Tờ khai hải quan
- Hóa đơn thương mại
- Hợp đồng thương mại
- Vận đơn
- Phiếu đóng gói hàng hóa
- Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
- Giấy chứng nhận hun trùng
- Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ của lô hàng và các chứng từ, giấy phép khác nếu có.
Những giấy phép cần chuẩn bị khi xuất khẩu dừa tươi
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
Hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật gồm có:
- Giấy đăng ký kiểm dịch theo mẫu ban hành của Chi cục kiểm dịch (Khai báo đầy đủ thông tin về lô hàng cần kiểm dịch theo tờ khai hải quan xuất khẩu);
- Mẫu kiểm dịch lô hàng xuất khẩu;
- Hợp đồng thương mại, vận đơn, hóa đơn thương mại;
- Phiếu đóng gói hàng hóa (Nếu có);
- Giấy giới thiệu hoặc Giấy ủy quyền của chủ hàng cho người đi đăng ký kiểm dịch thực vật (Nếu có).
Giấy chứng nhận hun trùng
Thủ tục xin cấp giấy chứng nhận hun trùng gồm có các loại giấy tờ sau:
- Nêu rõ địa điểm, tên hàng, số lượng hàng hóa;
- Thời gian cụ thể, người liên hệ, nước nhập khẩu;
- Scan hoặc fax vận đơn nhà HAWB cho công ty hun trùng;
- Nhận bản chứng thư copy, kiểm tra thông tin trên chứng thư và nếu kiểm tra thấy đầy đủ và chính xác, đơn vị cần xác nhận thông tin;
- Nhận chứng thư gốc (Nếu cần) và tiến hành thanh toán.
Trên đây là chi tiết thủ tục xuất khẩu dừa tươi theo quy định hiện nay. Nếu đơn vị đang có nhu cầu xuất khẩu dừa tươi nhưng đang gặp khó khăn về kết nối đơn hàng, làm thủ tục hải quan, hãy để lại lời nhắn ngay bên dưới để nhận được tư vấn nhanh chóng nhất!