Thủ tục xuất khẩu chanh dây chi tiết theo quy định hiện nay

SIMBA Logistics

Trong vòng 5 năm qua, sản lượng và giá trị xuất khẩu chanh dây Việt Nam tăng hơn 300%. Đây được xem là dấu hiệu đáng mừng cho ngành nông sản nói chung và chanh dây nói riêng. Vậy thủ tục xuất khẩu chanh dây gồm có những giấy tờ, chứng từ nào? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về thủ tục hải quan cũng như những quy định khi xuất khẩu chanh dây!

Chanh dây Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Chanh dây Việt Nam chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Ngày 7/7/2022, Cục Bảo vệ thực vật chính thức công bố xuất khẩu thí điểm chanh dây (chanh leo) chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Đây là kết quả sau gần 6 năm đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc. Như vậy, chanh dây là loại quả tươi thứ 10 của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trước đó có các loại quả khác đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc như: Thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, xoài, chuối, mít, chôm chôm và măng cụt.

Tiêu chuẩn chanh dây xuất khẩu

Chanh dây Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài cần đáp ứng được những tiêu chuẩn sau: 

  • Tất cả những vùng trồng nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải thực hiện theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Việc chế biến và đóng gói chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc phải được thực hiện dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 
  • Lô hàng chanh dây xuất khẩu phải đảm bảo không nhiễm dịch hại, đáp ứng an toàn thực phẩm. Trung Quốc sẽ kiểm tra chặt chẽ tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và các loại dịch hại trên quả chanh dây. Do đó, cá nhân, đơn vị cần lưu ý tới điều này khi xuất khẩu chanh dây. 
  • Về bao bì đóng gói phải đảm bảo tiêu chuẩn sạch, hợp vệ sinh, chưa qua sử dụng. Bao bì dán cần phải cung cấp đầy đủ thông tin bằng tiếng Anh bao gồm tên trái cây, quốc gia, nguồn gốc xuất xứ, vườn trồng, mã số đăng ký…

Thủ tục xuất khẩu chanh dây chi tiết

Thủ tục xuất khẩu chanh dây chi tiết

Chính sách pháp lý

Chanh dây không nằm trong danh mục các mặt hàng cấm xuất nhập khẩu, do đó, cá nhân, đơn vị có thể xuất khẩu loại quả này sang thị trường nước ngoài bình thường. Tuy nhiên, trước khi làm hồ sơ hải quan xuất khẩu lô hàng chanh dây, đơn vị cần phải đăng ký kiểm dịch thực vật. Đối với chanh dây giống thì phải có giấy phép xuất khẩu giống cây trồng.

Mã HS Code và thuế suất thuế xuất khẩu chanh dây

Căn cứ vào biểu thuế xuất nhập khẩu 2022, chanh dây có mã HS Code là 08109094. Trong đó:

  • Chương 08: Nhóm các loại quả và quả hạch ăn được; vỏ quả thuộc chi cam quýt hoặc các loại dưa
  • 0810: Quả khác, tươi
  • 081090: Loại khác:
  • 08109094: Quả lựu, quả mãng cầu hoặc quả na, quả roi, quả thanh trà, quả chanh leo (dây), quả sấu đỏ, quả táo ta và quả dâu da đất.

Hồ sơ hải quan xuất khẩu chanh dây

Hồ sơ hải quan xuất khẩu nông sản nói chung và xuất khẩu chanh dây nói riêng căn cứ theo Khoản 5 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC (Sửa đổi Điều 16 Thông tư số 38/2015/TT-BTC). Cụ thể, bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu chanh dây gồm có các giấy tờ, chứng từ sau:

  • Hóa đơn thương mại
  • Hợp đồng thương mại
  • Tờ khai hải quan
  • Vận đơn
  • Phiếu đóng gói hàng hóa
  • Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật
  • Các loại giấy tờ, chứng từ xuất khẩu chanh dây khác theo quy định.

Thủ tục kiểm dịch thực vật chanh dây xuất khẩu

Trước khi xuất cảnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ lấy mẫu với tỉ lệ 2% mỗi lô hàng chanh leo xuất khẩu sang Trung Quốc để kiểm dịch. Và lấy ít nhất 30 quả và tất cả những quả khả nghi để cắt kiểm tra. Trong trường hợp phát hiện thấy sinh vật có hại, lô hàng sẽ không được xuất khẩu sang Trung Quốc và ngay sau đó sẽ lập tức tạm dừng tư cách xuất khẩu vụ mùa của xưởng đóng gói cũng như vườn trồng liên quan.

Thủ tục cấp mã số vùng trồng chanh dây xuất khẩu

Mã số vùng trồng là điều kiện bắt buộc của hàng nông sản nói chung và chanh dây xuất khẩu nói riêng. Theo quy định, các vùng trồng rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký vùng trồng và phải được cấp mã số vùng trồng. Việc đăng ký và cấp mã số vùng trồng được thực hiện tại Chi cục Bảo vệ thực vật và trồng trọt tại địa phương. Bộ hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng nông sản nói chung và chanh dây nói riêng gồm có:

  • Đơn xin cấp mã số vùng trồng
  • Giấy đăng ký kinh doanh
  • Các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
  • Giấy chứng nhận VietGAP cho vùng trồng xin cấp mã số (nếu có).

Trên đây là chi tiết về thủ tục xuất khẩu chanh dây. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho cá nhân, đơn vị xuất khẩu nhiều thông tin bổ ích!

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
avatar
Xin chào
close nav
Bạn cần hỗ trợ?