Thủ tục xuất khẩu cao su gồm có những giấy tờ, chứng từ nào? Cao su xuất khẩu có cần làm thủ tục kiểm dịch thực vật? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về thủ tục hải quan xuất khẩu cao su và thuế xuất khẩu cao su theo quy định mới nhất hiện nay!
Tiềm năng xuất khẩu cao su hiện nay
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê Việt Nam, hiện nay, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cao su lớn thứ ba thế giới, chiếm tới 17,4% tổng thương mại cao su toàn cầu. Kim ngạch xuất khẩu của ngành cao su năm 2021, bao gồm cao su thiên nhiên, các sản phẩm được làm từ cao su và gỗ cao su đạt 9,5 tỷ USD, tăng 20,8% so với năm 2020.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cao su cả nước đạt 787,26 nghìn tấn với trị giá 1,36 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2021, con số này tăng 10,3% về lượng và tăng 13,3% về trị giá.
Thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam chủ yếu hiện nay là Trung Quốc. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm thị trường này tiêu thụ 536,32 nghìn tấn với trị giá 899,28 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2021, xuất khẩu cao su sang Trung Quốc tăng 9,3% về lượng và tăng 13,5% về trị giá.
Thủ tục xuất khẩu cao su chi tiết
Chính sách pháp lý
Theo phụ lục II của nghị định số 69/2018/NĐ – CP ngày 15/05/2018 của chính phủ, cao su không thuộc trong danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu. Chính vì vậy, đơn vị, doanh nghiệp có thể làm thủ tục xuất khẩu hàng hóa thương mại thông thường.
Căn cứ vào công văn số 5662/TCHQ-GSQL có hiệu lực từ ngày 16/10/2012 về việc thông quan hàng hóa xuất khẩu có nguồn gốc thực vật. Khi xuất khẩu cao su, nếu nước nhập khẩu và đối tác nhập khẩu không yêu cầu giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật, doanh nghiệp không cần phải nộp chứng nhận kiểm dịch.
Mã HS Code cao su
Tùy vào tính chất, đặc điểm của từng loại cao su mà sẽ có mã HS Code khác nhau. Hiện nay, mã HS Code cao su xuất khẩu được chia ra thành 3 nhóm chính bao gồm 4001, 4002 và 4005. Trong đó:
- 40.01: Các loại cao su tự nhiên, nhựa cây balata, nhựa cây cúc cao su, nhựa két, nhựa cây họ sacolasea và các loại nhựa cây tự nhiên tương tự, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc ở dạng dải.
- 4001.10: Mủ cao su tự nhiên, đã hoặc chưa được tiền lưu hóa
- 4001.22: Cao su tự nhiên đã được định chuẩn về kỹ thuật (TSNR).
- 40.02: Cao su tổng hợp và các chất thay thế cho cao su dẫn xuất từ dầu, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc dạng dải; hỗn hợp của một sản phẩm bất kỳ tại nhóm 40.01 với một sản phẩm bất kỳ của nhóm này, ở dạng nguyên sinh hoặc dạng tấm, lá hoặc ở dạng dải.
Thuế xuất khẩu cao su theo quy định mới hiện nay
- Thuế xuất khẩu: Theo quy định mới được áp dụng từ ngày 02/10/2014, thuế suất các mặt hàng cao su thuộc nhóm 40.01, 40.02 và 40.05 hiện nay là 0%.
- Thuế giá trị gia tăng (VAT): Theo quy định, doanh nghiệp xuất khẩu cao su phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT). Tại Khoản 2 Điều 8 Luật Thuế giá trị gia tăng có quy định về đối tượng áp dụng thuế GTGT với thuế suất là 5% bao gồm: Mủ cao su sơ chế; nhựa thông sơ chế; lưới, dây giềng và sợi dùng để đan lưới đánh cá.
Như vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cao su phải nộp thuế giá trị gia tăng. Mặc dù sẽ được hoàn lại sau khi xuất khẩu, nhưng thời gian chờ phải mất từ 4 - 9 tháng. Thậm chí, có trường hợp thời gian này còn lâu hơn. Điều đó gây tốn kém chi phí để trả lãi suất vay ngân hàng cho số vốn tạm nộp thuế VAT.
Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu cao su
Bộ hồ sơ hải quan xuất khẩu cao su gồm có những giấy tờ, chứng từ sau:
- Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Hóa đơn thương mại
- Phiếu đóng gói hàng hóa
- Hợp đồng ủy thác xuất khẩu (nếu có)
- Vận đơn
- Các chứng từ khác có liên quan khi xuất khẩu cao su.
Trên đây là chi tiết thủ tục xuất khẩu cao su mà Simba muốn gửi tới các đơn vị, doanh nghiệp. Hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho các đơn vị nhiều thông tin bổ ích để từ đó giúp cho những lô cao su xuất khẩu sang nước ngoài diễn ra thuận lợi hơn!