Tiêu chuẩn mà Trung Quốc đặt ra cho nông sản nhập khẩu ngày càng khắt khe hơn. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt nâng cao quy chuẩn chất lượng sản phẩm.Vậy xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần đảm bảo đạt những điều kiện nào? Theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu chi tiết về điều kiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc!
Việt Nam xuất khẩu nông sản nào sang Trung Quốc?
Tính tới thời điểm tháng 02/2023, Việt Nam đã có tổng cộng 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc bao gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, mít và sầu riêng.
Để có thể thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các mặt hàng trái cây sang thị trường tỷ dân, các nhà vườn phải xây dựng vùng trồng, cơ sở đóng gói đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu; nhà sản xuất và xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc....
Điều kiện cho phép nông sản được nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc
Không còn được đánh giá là thị trường “dễ tính” nữa, đối với hàng hóa nhập khẩu, Chính phủ Trung Quốc ngày càng siết chặt những quy định quản lý và chủ trương tiến hành thương mại chất lượng cao. Không ngừng hoàn thiện các cơ chế, chính sách quản lý về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, đăng ký doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đăng ký và kiểm tra vùng trồng, cơ sở đóng gói,...
Do đó, để xuất khẩu được nông sản vào thị trường Trung Quốc, người sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng được Chính phủ Trung Quốc quy định. Dưới đây là một số điều kiện để nông sản được phép nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc:
Tiêu chuẩn chất lượng nông sản
Nông sản nhập khẩu vào Trung Quốc cần có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật; đảm bảo đạt các quy định về tiêu chuẩn về an toàn và chất lượng sản phẩm theo luật pháp của Trung Quốc.
Quy định về vùng trồng
Đối với vùng trồng xuất khẩu, Trung Quốc đưa ra 5 quy định bao gồm:
- Vùng trồng phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP);
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giám sát đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm;
- Vùng trồng không có các đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quy định;
- Phải được theo dõi và giám sát sinh vật gây hại bởi đội ngũ cán bộ kỹ thuật;
- Phải lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại.
Quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật
Giới hạn dư lượng tối đa thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm được Trung Quốc quy định tại GB 2763-2019. Tiêu chuẩn này được áp dụng kể từ ngày 15/02/2020.
Nếu như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất độc hại khác vượt quá tiêu chuẩn về an toàn và y tế của Trung Quốc, lô hàng nông sản sẽ bị từ chối hoặc tiêu hủy. Bên cạnh đó, cục Hải quan Trung Quốc cũng thông báo cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể sẽ áp dụng biện pháp tạm dừng nhập khẩu từ vùng trồng (hoặc doanh nghiệp) đó vào thị trường Trung Quốc. Thậm chí là tạm dừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu mặt hàng đó từ Việt Nam, tùy theo tình hình thực tế.
Quy định về bao bì, nhãn mác, đóng gói
- Về bao bì: Quy định về bao bì của Trung Quốc rất đa dạng, phụ thuộc vào loại hàng hoá nhập khẩu. Tuy nhiên, trên bao bì phải gồm có các nội dung cơ bản sau: Tên sản phẩm, số lượng, trọng lượng, nguồn gốc xuất xứ, mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói (đối với trái cây), nơi đến... bằng tiếng Trung Quốc hoặc bằng tiếng Anh.
- Quy định về đóng gói: Trên bao bì (thùng, kiện) phải có các nội dung sau: Tên loại nông sản, nơi sản xuất, nơi đóng gói hoặc số mã hiệu/mã code. Trên bao bì phải có dán sẵn tem nhãn truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Tất cả bao bì phải ghi chữ “Để xuất khẩu đi Trung Quốc” bằng tiếng Trung Quốc hoặc bằng tiếng Anh.
- Tem mác: Nội dung của tem mác bao gồm tên tổ chức xuất khẩu, tên vùng trồng và mã số đăng ký vùng trồng, chủng loại hoa quả, tên cơ sở đóng gói và mã số đăng ký cơ sở đóng gói.
Mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói
Mã số vùng trồng là điều kiện cần thiết và bắt buộc đối với nông sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo quy định, trái cây tươi xuất khẩu sang Trung Quốc phải được thu mua từ những vùng trồng và đóng gói tại các cơ sở đã được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp mã số và phải được Tổng cục Hải quan Trung Quốc công nhận.
Thủ tục hải quan xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc chi tiết
Quy trình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc
Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được Bộ Tài chính quy định chi tiết tại Mục 2 Chương II Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015. Trình tự xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gồm có 5 bước sau:
- Kiểm tra chính sách mặt hàng, chính sách thuế;
- Chuẩn bị bộ chứng từ xuất khẩu;
- Khai tờ khai hải quan;
- Làm thủ tục hải quan xuất khẩu tại chi cục hải quan;
- Thông quan và thanh lý tờ khai.
Bộ chứng từ xuất khẩu nông sản
Một bộ chứng từ đầy đủ cần thiết để xuất khẩu gồm có:
- Hợp đồng thương mại (Sales Contract);
- Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice);
- Phiếu đóng gói hàng hóa (Packing list);
- Vận đơn (Bill of Lading);
- Tờ khai hải quan (Customs Declaration);
- Chứng từ bảo hiểm (Insurance Certificate);
- Giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa (C/O);
- Giấy chứng nhận kiểm dịch (Phytosanitary Certificate).
Thuế xuất khẩu nông sản theo quy định hiện nay
Khi xuất khẩu nông sản, doanh nghiệp không phải nộp thuế suất thuế xuất khẩu. Căn cứ theo thông tư số 14/VBHN-BTC ngày 09/05/2019 của Bộ Tài chính, hàng hóa xuất khẩu được áp dụng mức thuế suất Giá trị gia tăng là 0%.
Trên đây là chi tiết những điều kiện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc theo quy định mới nhất hiện nay. Nếu đơn vị đang có nhu cầu xuất khẩu nông sản hay đang gặp khó khăn khi làm thủ tục hải quan xuất khẩu, liên hệ ngay với SIMBA GROUP để được tư vấn miễn phí!