Tất tần tật thông tin về thủ tục, quy trình đăng ký cấp mã số vùng trồng

SIMBA Logistics

Mã số vùng trồng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá nông sản đã đủ điều kiện xuất khẩu. Vậy thủ tục đăng ký cấp mã số vùng trồng gồm những gì? Cần lưu ý những gì khi đăng ký mã vùng trồng? Theo dõi bài viết dưới đây để được Simba bật mí chi tiết thông tin về mã số vùng trồng!

Mã số vùng trồng là gì?

Mã số vùng trồng là gì?

Mã số vùng trồng là gì?

Mã số vùng trồng (PUC - Production Unit Code) là mã số định danh cho một vùng trồng. Mục đích của mã số vùng trồng là nhằm theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất; kiểm soát sinh vật gây hại và truy xuất nguồn gốc xuất xứ nông sản.

Ai có thẩm quyền quản lý và cấp mã số vùng trồng?

  • Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng lộ trình và hướng dẫn cấp mã vùng trồng trên phạm vi toàn quốc.
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là đơn vị tổ chức, triển khai cấp mã vùng trồng trên địa bàn theo lộ trình của của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đối tượng của mã số vùng trồng

  • Tổ chức, cá nhân tự tổ chức sản xuất, xuất khẩu;
  • Tổ chức, cá nhân liên kết sản xuất với những tổ chức, cá nhân khác.

Tại sao cần phải đăng ký mã số vùng trồng?

Đăng ký mã số vùng trồng là thủ tục quan trọng cần thực hiện khi xuất khẩu nông sản sang nước ngoài. Dưới đây là những lý do cá nhân, đơn vị xuất khẩu cần phải đăng ký mã số vùng trồng: 

  • Đảm bảo truy xuất nguồn gốc của sản phẩm khi xuất khẩu sang nước ngoài. Tránh tình trạng xuất khẩu hàng hóa không rõ nguồn gốc, không những không được thông quan mà còn ảnh hưởng tới sự uy tín của thương hiệu.
  • Thông qua mã số vùng trồng, đơn vị xuất khẩu nông sản có thể kiểm soát tốt hơn vùng nguyên liệu và nhật ký canh tác của người nông dân.
  • Thị trường nhập khẩu ngày càng khó tính và đặt ra những yêu cầu khắt khe.  Để xuất khẩu nông sản sang nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính như Trung Quốc, Nhật Bản, EU,...cá nhân, đơn vị xuất khẩu cần thực hiện rất nhiều thủ tục khác nhau. Mã số vùng trồng là một trong những yêu cầu bắt buộc mà thị trường nhập khẩu đặt ra cho nông sản. 
  • Để được cấp mã số vùng trồng, người thông dân phải thực hiện sản xuất, trồng trọt theo đúng quy trình chuẩn để đáp ứng yêu cầu về chất lượng của các nước nhập khẩu. Thông qua mã số vùng trồng, người dân sẽ có ý thức hơn trong việc sản xuất nông sản an toàn qua việc kiểm soát lượng phân thuốc sử dụng,...
  • Hàng nông sản xuất khẩu phải có mã số vùng trồng vì đây là thông tin bắt buộc cần có trên bao bì.

Chi tiết quy trình đăng ký mã số vùng trồng

Chi tiết quy trình đăng ký mã số vùng trồng

Căn cứ theo mục 5 Tiêu chuẩn cơ sở số TCCS 774:2020/BVTV ban hành kèm theo Quyết định số 2481/QĐ-BVTV-KH, quy trình đăng ký mã số vùng trồng gồm có 4 bước chính sau:

Đăng ký thông tin kỹ thuật vùng trồng

Phụ lục A của tiêu chuẩn cơ sở này có quy định về tờ khai kỹ thuật đề nghị cấp mã vùng trồng. Tổ chức/cá nhân điền các thông tin cần thiết và sau đó gửi tờ khai kỹ thuật về cho Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh.

Kiểm tra thực địa

Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra thực địa vùng trồng. Đơn vị sẽ có trách nhiệm kiểm tra thực địa để xác định mức độ đáp ứng các yêu cầu ở mục 4 của tiêu chuẩn cơ sở này. Những yêu cầu này là căn cứ cấp mã số vùng trồng cho tổ chức/cá nhân đề nghị.

Việc kiểm tra đánh giá thực địa bao gồm công tác: Khảo sát thực địa và lấy mẫu kiểm tra thành phần sinh vật gây hại.

Các nội dung kiểm tra chi tiết được quy định tại Phụ lục B của tiêu chuẩn cơ sở này.

Kết quả kiểm tra thực địa

  • Đơn vị kiểm tra tiến hành kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế tình hình tại vùng trồng. Sau đó hoàn thành Biên bản kiểm tra thực địa theo phụ lục B của Tiêu chuẩn này.
  • Nếu kết quả kiểm tra cho thấy vùng trồng cần khắc phục, đơn vị kiểm tra sẽ kiểm tra lại theo đề nghị của vùng trồng.
  • Nếu thấy vùng trồng đáp ứng yêu cầu, đơn vị kiểm tra gửi Cục Bảo vệ thực vật báo cáo kiểm tra vùng trồng đề nghị cấp mã số theo Phụ lục C của tiêu chuẩn này. Kèm theo đó là gửi bản sao biên bản kiểm tra thực địa, tờ khai kỹ thuật.

Phê duyệt mã số vùng trồng

  • Sau khi nhận được hồ sơ đăng ký cấp mã số vùng trồng, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiến hành thẩm định và cấp mã số cho những vùng trồng đạt yêu cầu. Sau đó sẽ gửi thông tin chi tiết mã số đã cấp cho nước nhập khẩu.
  • Khi được nước nhập khẩu phê duyệt mã số, Cục Bảo vệ thực vật thông báo và gửi mã số cho Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh. Điều này giúp chủ động hơn trong việc quản lý và giám sát vùng trồng đã được cấp mã số.
  • Chi cục Bảo vệ thực vật hoặc Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh gửi thông báo bằng văn bản tới cho tổ chức/cá nhân đề nghị cấp mã số về mã số vùng trồng đã được cấp.

Trên đây là chi tiết về thủ tục, quy trình cấp mã số vùng trồng. Đây là một trong những điều kiện bắt buộc để nông sản được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Simba hy vọng qua những chia sẻ ở bài viết mang tới cho nhà vườn, cá nhân, đơn vị xuất khẩu nhiều thông tin bổ ích!

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
avatar
Xin chào
close nav
Bạn cần hỗ trợ?