Có rất nhiều bạn làm nghề xuất nhập khẩu, dù đã làm khá nhiều mặt hàng nhưng khi gặp một lô hàng mới, chưa làm bao giờ vẫn thường lên các group xuất nhập khẩu, các diễn đàn về xuất nhập khẩu, cộng đồng xuất nhập khẩu hỏi xem mặt hàng này, mặt hàng kia có phải làm kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (kiểm tra chuyên ngành) gì không? Chúng tôi thấy có rất nhiều câu hỏi tương tự như vậy. Để hiểu rõ hơn những vấn đề về kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, bạn hãy tham bảo bài viết dưới đây.
1. Kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu là gì? Tại sao phải làm kiểm tra chất lượng?
Chắc chắn bạn vẫn chưa rõ Kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu là gì và tại sao mặt hàng của mình phải làm kiểm tra chất lượng. Để hiểu rõ nội dung này bạn cần phải hiểu thế nào là kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra chất lượng)
Kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu là thế nào?
Điều quan trọng nhất trước khi bạn xuất khẩu hay nhập khẩu một lô hàng là bạn cần tìm hiểu trước xem mặt hàng đó có được phép xuất khẩu, nhập khẩu hay không. Nếu được phép xuất nhập khẩu thì có phải hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành hay không. Sau đó bạn mới quyết định có nên xuất nhập khẩu lô hàng đó.
Nếu bạn cần làm kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu thì cần chuẩn bị chứng từ, chi phí, nhân lực có kiến thức về kiếm tra chuyên ngành để làm từ trước, tránh việc bị động gây tốn nhiều thời gian và chi phí.
Kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu là việc cơ quan chức năng (có thể là Bộ Y Tế, Bộ Thông tin Truyền Thông, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn,…) lấy mẫu hàng để kiểm tra xem hàng hóa đó có đạt yêu cầu hoặc tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định của chuyên ngành hay không.
Nếu kết quả kiểm tra là ĐẠT, thì lô hàng xuất nhập khẩu đó sẽ được cấp giấy chứng nhận và có đủ giấy tờ xuất khẩu, nhậpkhẩu. Còn nếu không đạt, thì sẽ không được cấp chứng nhận, và hàng đó sẽ không đủ tiêu chuẩn nhập hoặc xuất khẩu.
Vậy bạn đã thấy việc kiểm tra chuyên ngành vô cùng quan trọng đúng không. Thông thường thì kiểm tra chất lượng hàng nhập khẩu thường nhiều hơn so với kiểm tra chất lượng hàng xuất khẩu.
2. Những mặt hàng nào phải làm kiểm tra chuyên ngành (kiểm tra chất lượng)
Vấn đề khó khăn nhất với doanh nghiệp xuất nhập khẩu là không biết lô hàng đó có thuộc đối tượng Kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu hay không? Hoặc nếu kiểm tra chuyên ngành thì kiểm tra ở cơ quan nào, bộ nào?
Nhưng xin chia buồn với các bạn là chưa có 1 văn bản nào liệt kê đầy đủ danh mục hàng làm kiểm tra chuyên ngành. Vì thế, hãy chịu khó tìm hiểu trong văn bản của từng bộ quy định về kiểm tra chất lượng hàng hóa.
Chúng tôi liệt kê ở đây để bạn tham khảo, bạn cần xác định trước mặt hàng xuất nhập khẩu đó thuộc quản lí của bộ nào.
- Thông tư 30/2015/TT-BYT Danh mục Thiết bị Y tế cần Kiểm tra nhà nước về chất lượng
- Quyết định 4758/QĐ-BNN-TY, ban hành bảng mã số HS của danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch.
- Thông tư 30/2014/TT-BNNPTNT về Danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu vào Việt Nam
- Quyết định 4758/QĐ-BNN-TY ngày 18/11/2015 ban hành Bảng mã HS của danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn phải kiểm dịch.
- Công văn 613/CB-CD-BNNPTNT ngày 08/07/2016 về danh sách mặt hàng máy móc nông nghiệp phải Kiểm tra Chất lượng Nhà nước khi nhập khẩu
- Quyết định số 4755/QĐ-BCT ngày 03/12/2014, công bố danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trước khi thông quan thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
- Quyết định số 3482/QĐ-BKHCN ngày 16/06/2017 về Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ
- Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BCT-BKHCN, có quy định Danh Mục các sản phẩm thép phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu
- Thông tư 03/2010/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục hàng hóa nhóm 2 và trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Trên đây là những quy định của các bộ về kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu và chắc chắn chưa thể đủ hết. Tuy nhiên, danh sách các văn bản này cũng sẽ giúp ích cho bạn khi làm kiểm tra chất lượng hàng hóa vì đây là những văn bản được áp dụng cho rất nhiều mặt hàng xuất nhập khẩu ở nước ta hiện nay.
3. Thủ tục, quy trình kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu
Hồ sơ để đăng ký kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu:
- Giấy “Đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu” theo mẫu.
- Bản sao chứng chỉ chất lượng có chứng thực.
Tài liệu kỹ thuật khác liên quan:
- Bản sao (có xác nhận của người nhập khẩu)
- Vận đơn (Bill of Lading);
- Hóa đơn (Invoice);
- Tờ khai hàng hóa nhập khẩu;
- Giấy chứng nhận xuất xứ (nếu có) (C/O-Certificate of Origin);
- Ảnh hoặc bản mô tả hàng hoá;
- Mẫu nhãn hàng nhập khẩu đã được gắn dấu hợp quy và nhãn phụ (nếu nhãn chính chưa đủ nội dung theo quy định
- Bản sao hợp đồng mua bán (Contract) và danh mục hàng hóa kèm theo hợp đồng (Packing list)
Sau khi cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra tính hợp lệ và đầy đủ , trường hợp đầy đủ thì tiếp nhận hồ sơ và tiến hành kiểm tra theo quy định, trường hợp khồng đầy đủ thì sẽ thông báo bổ sung cho người đăng ký
Trong 3 ngày sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả và gửi trả hồ sơ
Kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất nhập khẩu là một thủ tục bắt buộc đối với những hàng hóa thuộc danh mục theo quy định. Mong rằng những chia sẻ về về khái niệm và thủ tục thực hiện đối với những mặt hàng theo quy định sẽ hữu ích với bạn.