Giấy phép nhập khẩu là gì? Quy trình xin cấp giấy phép nhập khẩu

SIMBA Logistics

Giấy phép nhập khẩu là một trong những giấy tờ quan trọng trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Nếu doanh nghiệp đang có ý định nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, chắc chắn sẽ không thể bỏ qua những thông tin quan trọng về loại giấy tờ này. Vì vậy, trong bài viết này, Simba sẽ giải đáp định nghĩa về giấy phép nhập khẩu và thủ tục cần thiết để xin giấy phép nhập khẩu.

Giấy phép nhập khẩu là gì?

Giấy phép nhập khẩu là gì?

Giấy phép nhập khẩu là một loại giấy tờ pháp lý được cấp bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền, cho phép một mặt hàng nhất định từ nước ngoài được doanh nghiệp nhập khẩu vào thị trường Việt Nam. 

Giấy phép này là bằng chứng về việc đăng ký và xác nhận quyền hợp pháp của doanh nghiệp để nhập khẩu hàng hóa. Việc có giấy phép nhập khẩu là rất quan trọng để đảm bảo công việc nhập khẩu được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật và tránh các vấn đề về pháp lý và hải quan trong quá trình nhập khẩu hàng hóa.

Hiện nay, theo quy định có hai loại giấy phép nhập khẩu:

  • Giấy phép nhập khẩu tự động: Được cấp cho các doanh nghiệp như một hình thức xác nhận với cơ quan nhà nước về việc nhập khẩu một lô hàng của mình. Những doanh nghiệp được cấp giấy phép này thường đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu pháp lý, kỹ thuật và chất lượng của cơ quan quản lý Nhà nước. 
  • Giấy phép nhập khẩu không tự động: Là giấy phép được áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu không thuộc danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu tự động. Để được cấp giấy phép, doanh nghiệp cần phải đáp ứng được những yêu cầu nhất định do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đưa ra.

Thông tư số 27/2012/TT-BTC quy định tạm ngừng áp dụng chế độ cấp giấy phép nhập khẩu tự động đối với một số mặt hàng quy định tại thông tư 24/2010/TT-BTC của Bộ Công Thương. 

Đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu mà lại không có, thì sẽ bị xử phạt theo Nghị định 127/2013/NĐ-CP của Chính Phủ.

Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép

Danh mục hàng hóa nhập khẩu phải có giấy phép nhập khẩu thuộc quản lý của một số Bộ bao gồm: 

  • Hàng hóa cần kiểm soát nhập khẩu theo quy định của Điều ước quốc tế, hàng hóa áp dụng chế độ hạn ngạch thuế quan,... (thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương).
  • Pháo hiệu các loại cho an toàn hàng hải (phạm vi quản lý của Bộ Giao Thông vận tải).
  • Thuốc bảo vệ thực vật các loại, chế phẩm sinh học, phân bón,... (thuộc phạm vi quản lý của bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn).
  • Tem bưu chính, các sản phẩm giám sát, an toàn thông tin mạng,... (thuộc phạm vi quản lý của bộ Thông tin & Truyền thông).
  • Thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt hoặc chưa đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trang thiết bị y tế,... (phạm vi quản lý của Bộ Y Tế).
  • Vàng nguyên liệu (quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam).

Danh sách hàng hóa nhập khẩu phải theo giấy phép được liệt kê đầy đủ và chi tiết tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính Phủ.

Hồ sơ và quy trình xin cấp giấy phép nhập khẩu

Hồ sơ và quy trình xin cấp giấy phép nhập khẩu

Hồ sơ và quy trình xin giấy phép nhập khẩu được quy định tại Khoản 3 Điều 7, Khoản 4 Điều 8 Nghị định 69/2018/NĐ-CP của Chính Phủ và Khoản 1 Điều 14 Luật quản lý ngoại thương năm 2017.

Hồ sơ xin giấy phép nhập khẩu

Cụ thể, Khoản 1 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP quy định hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu bao gồm: 

  • Văn bản đề nghị cấp giấy phép nhập khẩu hàng hóa: 1 bản chính.
  • Giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 1 bản sao có đóng dấu của doanh nghiệp, thương nhân.
  • Các giấy tờ, tài liệu liên quan khác theo quy định.

Quy trình xin giấy phép nhập khẩu

Quy trình xin cấp giấy phép nhập khẩu được quy định tại Khoản 2 Điều 9 Nghị định 69/2018/NĐ-CP, cụ thể gồm những bước sau:

  • Doanh nghiệp gửi 1 bộ hồ sơ xin cấp giấy phép nhập khẩu được quy định tại Khoản 1 Điều 9 trực tiếp hoặc qua bưu điện hoặc trực tuyến (nếu có áp dụng) đến bộ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép.
  • Trong trường hợp bộ hồ sơ chưa đủ hoặc chưa chính xác theo quy định, cần bổ sung, trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, bộ, cơ quan thông báo để doanh nghiệp hoàn thiện lại hồ sơ.
  • Trong thời hạn tối đa 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ cấp giấy phép hoàn chỉnh, bộ, cơ quan chịu trách nhiệm sẽ thông báo để trả lời doanh nghiệp.
  • Trường hợp pháp luật có quy định về việc bộ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép phải trao đổi ý kiến với cơ quan liên quan, thời hạn xử lý sẽ được tính từ thời điểm nhận được ý kiến trả lời của các cơ quan liên quan.

Việc cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép, cấp lại giấy phép do thất lạc sẽ được thực hiện theo nguyên tắc sau:

  • Doanh nghiệp chỉ nộp các giấy tờ liên quan đến nội dung cần sửa đổi, bổ sung.  
  • Thời gian cấp sửa đổi, bổ sung, cấp lại không dài hơn thời gian cấp giấy phép nhập khẩu.
  • Trường hợp bộ, cơ quan thẩm quyền từ chối sửa đổi, bổ sung hoặc cấp lại thì sẽ có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

Trên đây là toàn bộ bài viết về “Giấy phép nhập khẩu là gì”, mong rằng bài viết trên đã giúp doanh nghiệp hiểu hơn về các quy định đối với giấy phép nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp có bất kỳ khó khăn gì trong việc làm các thủ tục nhập khẩu, hãy liên hệ tới Simba Group qua hotline 0379 311 688 để được tư vấn chi tiết! 

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:
avatar
Xin chào
close nav
Bạn cần hỗ trợ?