Là chứng từ không thể thiếu trong xuất nhập khẩu, giấy chứng nhận đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa thì còn rất nhiều chứng nhận khác được sử dụng phổ biến trong xuất nhập khẩu. Vậy bạn đã biết được những giấy tờ chứng nhận nào? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để được chúng tôi bật mí các loại chứng nhận trong xuất nhập khẩu có thể bạn chưa biết nhé!
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa
Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là gì?
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa - Certificate of Origin (C/O) là chứng từ do Phòng thương mại của nước xuất khẩu/Cơ quan có thẩm quyền/Nhà xuất khẩu cấp nhằm mục đích xác định nơi sản xuất/nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa.
Việc cấp C/O có mục đích gì?
Mục đích chính của việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa là chứng minh hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, hợp pháp về thuế quan và các quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu giữa 2 nước xuất khẩu và nhập khẩu. Cụ thể thì:
- Đối với doanh nghiệp nhập khẩu: Một C/O hợp lệ có thể giúp doanh nghiệp nhập khẩu được hưởng ưu đãi về thuế nhập khẩu.
- Đối với hoạt động quản lý Nhà nước: C/O có ảnh hưởng tới chính sách chống phá giá, trợ giá, thống kê thương mại, duy trì hệ thống hạn ngạch,.…
Nội dung của C/O
Nội dung của C/O bao gồm các thông tin chính như:
- Mẫu GCN, số GCN, cơ quan cấp
- Thông tin của người gửi, người nhận hàng
- Thông tin hàng hóa: Tên, số lượng, ký mã hiệu
- Số hóa đơn
- Phương thức vận tải
- Xuất xứ
- Nơi cấp, ngày cấp, chữ ký, đóng dấu.
Các mẫu C/O hiện nay
Một số mẫu giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ phổ biến hiện nay có thể kể đến như:
- C/O Form A: Hàng xuất khẩu để được hưởng ưu đãi về thuế quan trong khuôn khổ hiệp định ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP – Generalized System of preferences).
- C/O Form D (Dành cho các nước trong khối ASEAN)
- C/O Form E (ASEAN - Trung Quốc)
- C/O Form AK (ASEAN - Hàn Quốc)
- C/O Form AJ (ASEAN - Nhật Bản)
- C/O Form VJ (Việt nam - Nhật Bản)
- C/O Form AI (ASEAN - Ấn Độ)
- C/O Form AANZ (ASEAN - Australia - New Zealand)
- C/O Form VC (Việt Nam - Chile)
- C/O Form S (Việt Nam - Lào; Việt Nam - Campuchia).
Xin cấp C/O ở đâu?
Bộ Công thương là nơi có quyền cấp C/O hiện nay. Ngoài ra Bộ Công thương còn ủy quyền cho một số cơ quan, tổ chức đảm nhận công việc này. Mỗi cơ quan sẽ được cấp một số loại C/O nhất định, cụ thể thì:
- VCCI: Cấp C/O form A, B,…
- Các Phòng Quản lý xuất nhập khẩu của Bộ Công thương: Cấp C/O form D, E, AK,…
- Các Ban quản lý Khu chế xuất - Khu công nghiệp được Bộ Công thương ủy quyền: Cấp C/O mẫu D, E, AK,…
Giấy chứng nhận chất lượng hàng hóa
C/Q là gì?
Chứng nhận chất lượng hàng hóa - Certificate of Quality (C/Q) là chứng từ do người bán/người sản xuất hoặc cơ quan chuyên môn/Công ty giám định cấp nhằm kiểm tra xem chất lượng của hàng hóa có phù hợp với tiêu chuẩn của nước sản xuất hoặc các tiêu chuẩn quốc tế không.
Mục đích của việc cấp C/Q là gì?
Mục đích của việc cấp C/Q là chứng minh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng đầy đủ những tiêu chuẩn chất lượng đã được đề ra. Tuy không phải là giấy tờ bắt buộc phải có trong hồ sơ hải quan nhưng giấy chứng nhận chất lượng lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Theo đó nó giúp cho việc thông quan hàng hóa diễn ra nhanh chóng hơn. Đồng thời tăng tỷ lệ tin tưởng của đối tác, khách hàng về chất lượng các sản phẩm, hàng hóa mà doanh nghiệp cung cấp.
Cơ quan cấp chứng nhận chất lượng hàng hóa
Có hai cơ quan cấp C/Q hiện nay là:
- Bộ Công Thương Việt Nam
- Phòng Thương mại và công nghệ Việt Nam (VCCI).
Thời gian để được cấp giấy kiểm định chất lượng hàng hóa là trong vòng từ 3-5 ngày làm việc. Đặc biệt đối với các nhóm thực phẩm chức năng và thực phẩm bổ sung thì thời gian là khoảng 20 ngày làm việc.
Giấy chứng nhận hợp chuẩn
Chứng nhận hợp chuẩn là gì?
Công bố hợp chuẩn là việc tổ chức, cá nhân tự công bố sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng. Chứng nhận hàng hóa, sản phẩm đạt chuẩn là hoạt động tự nguyện. Tuy nhiên trong một số trường hợp nó sẽ là bắt buộc nếu như khách hàng yêu cầu. Tại Việt Nam, giấy chứng nhận hợp chuẩn hàng hóa được ký hiệu là TCVN.
Việc công bố phù hợp sản phẩm, hàng hóa có đạt tiêu chuẩn hay không dựa vào kết quả chứng nhận hợp chuẩn do tổ chức chứng nhận đã đăng ký thực hiện. Hoặc cũng có thể dựa vào kết quả tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân công bố hợp chuẩn.
Đối tượng cần làm giấy chứng nhận hợp chuẩn là tất cả sản phẩm/hàng hóa thuộc nhóm 1 được quy định trong Nghị định 74/2018/NĐ-CP. Theo đó đây là nhóm những sản phẩm/ hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn trong quá trình sản xuất, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển và sử dụng.
Tại sao sản phẩm cần chứng nhận hợp chuẩn?
Việt Nam chính thức gia nhập WTO vào ngày 22/9/2011 đã tạo cơ hội lớn cho hàng hóa, sản phẩm trong nước vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, để hiện thực hóa những cơ hội đó cũng như mang sản phẩm của Việt Nam tới thị trường nhiều nước hơn thì doanh nghiệp Việt cần liên tục cải tiến sản xuất. Ngoài ra cần đảm bảo sản phẩm, dịch vụ tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế nhằm đáp ứng được những yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng của nhiều thị trường trên thế giới. Và lúc này việc hàng hóa, sản phẩm được chứng nhận hợp chuẩn là điều vô cùng quan trọng. Cụ thể thì dưới đây là một số lợi ích là loại giấy chứng nhận này mang lại:
- Đảm bảo các sản phẩm, hàng hóa tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Từ đó tạo lợi thế cạnh tranh so với đối thủ trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Được xem xét miễn hoặc giảm kiểm tra khi có chứng nhận và con dấu chất lượng Việt Nam.
- Tăng tỷ lệ trúng thầu so với các đối thủ khác.
- Là điều kiện giúp doanh nghiệp có cơ hội vượt qua rào cản kỹ thuật để từ đó mở rộng các sản phẩm, hàng hóa ra thị trường quốc tế với các thỏa thuận song phương và đa phương.
- Sản phẩm, hàng hóa đáp ứng được các yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng, từ đó tăng tỷ lệ mua hàng.
Tổ chức chứng nhận hợp chuẩn
Đăng ký hồ sơ công bố hàng hóa, sản phẩm hợp chuẩn tại Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi cá nhân, tổ chức sản xuất đăng ký doanh nghiệp hoặc đăng ký hộ kinh doanh.
Giấy chứng nhận hợp quy
Chứng nhận hợp quy là gì?
Chứng nhận hợp quy là việc đánh giá các sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp để xem liệu sản phẩm, hàng hóa đó có phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật hay không. Công bố hợp quy là hoạt động bắt buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Quy chuẩn dùng để chứng nhận sản phẩm hợp quy là quy chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước. Tại Việt Nam, chứng nhận hợp quy được ký hiệu là QCVN.
Tại sao sản phẩm cần có chứng nhận hợp quy
Đảm bảo hàng hóa, sản phẩm có giấy chứng nhận hợp quy mang lại một số lợi ích như:
- Đối với doanh nghiệp: Thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá, giấy tờ chứng nhận hợp quy sẽ giúp doanh nghiệp không ngừng hoàn thiện và phát triển hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm. Để từ đó đem đến cho khách hàng những dịch vụ tốt nhất. Với việc tung ra ngoài thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng, có chứng nhận rõ ràng giúp doanh nghiệp không phải đối diện với những rủi ro. Cụ thể đây là rủi ro bị thu hồi sản phẩm do không phù hợp với chất lượng theo quy định và phải bồi thường thiệt hại cho người tiêu dùng.
- Đối với người tiêu dùng: Khi sử dụng những sản phẩm, hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, người tiêu dùng sẽ cảm thấy yên tâm hơn về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, sản phẩm. Từ đó kích cầu và tăng tỷ lệ quay lại mua hàng.
- Đối với cơ quan quản lý nhà nước: Giấy chứng nhận hợp quy tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc quản lý các loại sản phẩm đang lưu hành trên thị trường. Điều đó nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng, bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng của sản phẩm nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.
Nhóm các sản phẩm phải chứng nhận hợp quy
Nếu doanh nghiệp đang sản xuất hoặc kinh doanh các sản phẩm thuộc nhóm 2 - Nhóm sản phẩm/hàng hóa có khả năng gây mất an toàn mặc dù được sử dụng hợp lý, đúng mục đích. Thay vì chứng nhận hợp chuẩn, doanh nghiệp bắt buộc phải có chứng nhận hợp quy để có thể lưu thông hàng hóa, sản phẩm đó trên thị trường.
Một số giấy tờ chứng nhận khác hiện nay
Ngoài những mẫu giấy chứng nhận được bật mí ở trên thì dưới đây còn một số chứng nhận khác cũng được sử dụng phổ biến trong xuất nhập khẩu hiện nay:
- Chứng nhận vệ sinh (Sanitary Certificate): Là chứng nhận tình trạng không độc hại của hàng hóa đối với người tiêu dùng, thường do Cục kiểm nghiệm hàng hóa xuất nhập khẩu cấp.
- Chứng nhận kiểm dịch thực vật (Phytosanitary Certificate): Do cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực phẩm cấp cho chủ hàng. Mẫu giấy này xác nhận hàng hóa là thực vật hoặc sản phẩm thực vật không có nấm độc, sâu bọ,… có thể gây bệnh cho cây cối trên đường đi hoặc nơi đến của hàng hóa.
- Chứng nhận kiểm dịch động vật (Veterinary Certificate): Do cơ quan thú y cấp, chứng nhận hàng hóa không có vi trùng gây dịch bệnh cho động vật hoặc chứng nhận động vật đã được tiêm chủng để phòng dịch bệnh.
- Chứng thư hun trùng (Fumigation Certificate): Chứng nhận này được cấp đối với những hàng hóa dễ bị côn trùng xâm nhập, làm hư hỏng và thường do Công ty khử trùng cấp.
Trên đây là tổng hợp một số giấy chứng nhận trong xuất nhập khẩu phổ biến hiện nay mà Simba muốn chia sẻ tới bạn đọc. Hy vọng qua những chia sẻ về các loại giấy tờ chứng nhận mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích! Và nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các thủ tục xuất nhập khẩu hoặc có nhu cầu nhập hàng với số lượng lớn thì hãy nhanh tay liên hệ tới chúng tôi qua Hotline 037.931.1688 để được tư vấn nhé!